Phong tục tập quán Ngư_Lộc

Đường làng ở Ngư Lộc những ngày tết cổ truyền

Phong tục sinh đẻ

Nhau thai trong bào thai được xem là một bộ phận rất quan trọng, nhờ đó mà thai nhi trưởng thành. Khi chào đời, nhau thai được cắt bỏ nhưng được đem chôn cất rất cẩn thận, có lẽ đây là quan niệm hết sức quan trọng có tính cổ truyền của dân tộc ta. Nhân dân ta thường đề cao nơi chôn rau cắt roan. Với người dân Ngư Lộc luôn có ý thức bảo vệ nơi chôn rau (nhau) trong một thời gian dài đến khi đứa trẻ đã trưởng thành. Nhau mà bị xâm hại sẽ không có lợi cho sức khỏe và sự trưởng thành của đứa trẻ[9].

Cuống nhau thai thường được người dân ở đây chôn bên trong rạch nước mái nhà, vì người ta tin rằng nếu chôn giữa rạch đứa trẻ sẽ bị loét mắt hay đau bụng. Người mẹ phải kiêng cữ 7 ngày (s. con trai) hoặc 9 ngày (nếu sinh con gái). Sau khi vừa sinh xong các bà mẹ chồng thường cho con dâu mình uống một bát nước giải của bé trai 9 -10 tuổi có tác dụng chống cảm và lành bụng cho người mới sinh[9].

Người phụ nữ mới sinh, trong ăn uống chỉ được ăn cơm với mắm cạo (nước mắm ngon kho cho thật cạn khi ăn lấy thìa cạo), nhà có điều kiện thì ăn cơm với cá kho mặn đét (mặn chát), cũng với quan niệm "lành" là để bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Hết cữ các gia đình có lệ, xúc tro than "nằm lửa" của người mẹ ra đổ ở ngã ba đường đông người qua lại. Nếu sinh con gái than đổ làm 9 nhóm, nếu là con trai than đổ thành 7 nhóm, ý muốn báo cho mọi người qua lại biết rằng trong làng có một cháu nhỏ ra đời. Vợ chồng sinh con trai được gọi là cha cò mẹ cò, sinh con gái được gọi là cha hĩm, mẹ hĩm. Đầy cữ cho con, bố mẹ phải làm lễ cúng mụ bà, đồ lễ phải được đặt vào mẹt đặt trên giường. Lễ vật gồm có: một nắm cơm cắt làm 12 miếng, một quả trứng cắt làm 12 tiếng, một đĩa 12 con tôm, một đĩa 12 con cua, 12 cái bát 12 đôi đũa, 12 miếng trầu. Sau đầy cữ chọn trong dòng họ ai đông con cháu, mang trầu rượu đến để xin đặt tên. Đối với bà con họ hàng, anh em bạn bè khi biết tin trong họ tộc hay bạn bè có một đứa trẻ vừa chào đời, họ thường mang vài chục can gạo ngon đến mừng. Điều đó có ý nghĩa thể hiện sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc[9].

Phong tục hôn nhân

Con cái lớn lên được cha mẹ dựng vợ gả chồng theo một số nguyên tắc "trâu ta ăn cỏ đồng ta", "môn đăng hậu đối", "gái hơn hai trai hơn một". Tuy nhiên ở làng biển Ngư Lộc gần như 100% ngư dân ở đây đều làm nghề biển thì việc gả chồng cho con do yêu cầu trực tiếp lao động trên biển nên người ta ít chú ý đến học vấn mà quan tâm hơn cả đến sức khỏe của người con trai và gia đình của họ (đông an hem càng tốt)[9].

Một bên chữ nghĩa văn chươngMột bên chèo chống em thương bên nào?

Xưa kia Ngư Lộc có tục ở rể khá thịnh hành. Con gái đền tuổi nếu ưng thuận nhận trầu người con trai "miếng trầu nên dâu nhà người" thì theo tập quán địa phương người con trai đó phải đến ở rể nhà gái từ 3-5 năm. Hết thời hạn đó người con trai được về chuẩn bị ngày làm lễ cưới. Lễ thách cưới phải có đủ trầu cau, gạo nếp, thịt lợn và tiền đồng từ 10-30 quan. Nếu chưa đủ đồ cưới phải hoãn lại chờ cho nhà trai lo sắm cho chu tất thì lễ cưới mới được chấp thuận[9].

Phong tục tang ma

Khi trong làng có một người qua đời, thì mọi người không kể họ hàng thân sơ trong Xóm Gõ (xóm chuyên sử dụng thuyền gõ) và xóm Bè (xóm chuyên sử dụng bè) đều đến nhà tang chủ đế giúp đỡ. Ở đây việc tang lễ vẫn do người trong xóm đứng ra tổ chức. Gia đình có người qua đời phải đến trình ngay với trưởng xóm. Người trưởng xóm nổi ba hồi trống, mọi người từ 18 tuổi trở lên trong xóm phải đến nhà tang chủ tham gia công việc tang lễ theo sự phân công của trưởng xóm và hội hiếu của xóm. Theo tục lệ xưa nhà có người chết phải mời ông phù thủy (thầy cúng) đến nhà làm lễ yễm bùa dưới chân giường thờ tổ tiên để xua đuổi ma quỷ, sau đó được tiến hành theo các bước sau[9]:

  • Khâm liệm và nhập quan: Khâm liệm có hai cách tiến hành: tiểu liệm và đơn liệm. Việc nhập quan phải chọn giờ tránh tuổi, nhập quan song phải hú hồn (ba lần) rồi liệm tấm thiên và đóng áo quan.
  • Lễ thành phục: tức là chính thức làm đám tang. Mặc trang phục là điểm chính của lễ thành phục, các mũ áo, đồ tang đặt trước án thờ, đã có nến hương nghi ngút, có bát cơm nén chặt cắm đôi đũa vót tua và cái đĩa đặt quả trứng luộc, con cháu vào làm lễ và mặc tang phục. Tang phục của người dân Ngư Lộc cũng không có gì khác biệt so với dân nội đồng, cũng áo sô gai mũ rơm, gậy vông, thắt lưng bằng dây chuối, khăn tang trùm đầu… (trong những ngày có tang, con cháu kiêng cắt tóc, cạo râu, tắm gội…). Lúc này kèn trống mới nổi lên và có ngời đến phúng viếng.
  • Lễ cúng cơm: Con cháu tập trung bên linh sàng hoặc linh cữu, làm lễ xong rồi cùng ăn cơm trong cái sàng, ăn xong không được xỉa răng.
  • Lễ tế thổ thần khi chọn đất đào huyệt: Việc này phải nhờ thầy địa lý xem. Lễ này cũng đơn giản chỉ be rượu, trục trầu cùng vàng hương rồi cáo với thổ thần nơi đào huyệt.
  • Lễ đòn tập: Để đội tùy đi chậm đều. Đối với nhà giàu khi làm lễ này thường có lễ chuyển cữu và lễ yết tổ, nhưng do lễ này rườm rà, sau này bà con chỉ xoay quan tài tí chút rồi đem hương và trầu rượu đến nhà thờ cáo với tổ tiên.
  • Lễ hành tống (đi chôn cất): Đám nào cũng được làm nhà táng giấy, đặt quan tài và binh kinh. Nhà vàng bằng giấy trắng, xanh, đỏ, tím, vàng. Để làm lễ hành tống, hội hiếu cử 12 hoặc 24 trai khiêng (gọi là làng tùy). "Làng tùy" cũng phải mang khăn trắng, được tang chủ thết cỗ và cấp mỗi người một quan tiền (ngoài tiền treo đầu đòn nhà táng). Trên đường ra nghĩa địa "làng hiếu" cử hai người đàn ông ăn mặc khác thường trông dữ tợn, vác thanh gươm đi dẹp đường (gọi là quỷ sứ dẹp đường) tiếp đến là những câu đối trắng, đỏ, binh kinh, linh xa, nhà vàng, nhà táng, anh em con cháu gia chủ và "làng hiếu".

Sau lễ chôn cất là đến lễ ba ngày mở cửa mộ, tang chủ mời gia đình, họ mạc, làng tùy, hội hiếu trong làng xóm đến ăn một bữa cỗ gọi là tục đám hiếu. Sau đó là đến lễ 49 ngày rồi đến lễ 100 ngày hội hiếu đều được gia đình tang chủ mời cơm. Làm ma to hay nhỏ phụ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình giàu, nghèo khác nhau[9].

Ngày nay hội bảo thọ ở mỗi làng đều có, cùng với nếp sống mới, người chết được làm ma đưa đón bình đẳng, những hủ tục lạc hậu nặng nề đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên các nghi lễ cơ bản như khâm liệm, lễ thành phục, lễ cúng cơm, làm nhà táng đơn giản, lễ 49 ngày, 100 ngày và tục lệ phúng viếng vẫn còn phổ biến như phúng gạo, tiền…[9]

Liên quan